Gồng Mình Sau Bão Lũ, Nhiều Doanh Nghiệp Vẫn Đối Mặt Nguy Cơ Đóng Cửa

Đăng ngày 23/09/2024

Sau cơn bão số 3 bất ngờ đổ về, cộng đồng doanh nghiệp tại các địa phương phía Bắc bắt đầu dọn dẹp và khôi phục hoạt động kinh tế, sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên cũng còn nhiều đơn vị khác đang tạm dừng hoạt động do những khó khăn khách quan và có nguy cơ phải đóng cửa.

Cơn bão Yagi đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc với cường độ mạnh, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế và các doanh nghiệp. Ngay khi cơn bão đi qua, nỗ lực phục hồi sản xuất – kinh doanh là công việc được nhiều doanh nghiệp, đơn vị tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung triển khai.

Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8-7%, Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.

Khung cảnh hoang tàn sau cơn bão số 3.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Nông nghiệp được xác định là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão số 3. Để hỗ trợ các doanh nghiệp có liên quan đến nông nghiệp khắc phục khó khăn, một số ngân hàng đang huy động tối đa nhân lực để nhanh chóng thẩm định thiệt hại, qua đó khẩn trương áp dụng giải pháp giãn nợ, giảm lãi vay và không thu nợ bằng mọi cách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, thiên tai tại Yên Bái, sáng 12/9. (Ảnh sưu tầm)

Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và nhà nước, ngày 9-9, hầu hết KCN được cấp điện trở lại và hơn 95% số doanh nghiệp trong KCN trở lại sản xuất bình thường ngay sau bão.

Ngoài Hải Phòng thì Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… cũng là những địa phương có các nhà máy sản xuất lớn và có nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc duy trì sản xuất liên tục có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ người lao động, doanh nghiệp mà còn của nền kinh tế.

Mặc dù một số doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng nhiều đơn vị khác vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn lớn. Theo thống kê tại Quảng Ninh, có hơn 11.000 khách hàng với tổng dư nợ 10.654 tỉ đồng bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của bão Yagi, trong đó có nhiều người nuôi trồng thủy hải sản. Tại Thái Nguyên, Công ty cổ phần Tài Đức Phú HDH – một doanh nghiệp nông nghiệp – vẫn chưa thể tái khởi động do khu vực xung quanh còn ngập, nước chưa rút và nhân sự chưa thể đi làm trở lại.

HTX nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả phải bán vội tôm thẻ chân trắng với giá rẻ bèo vì sợ tôm tiếp tục chết do trời mưa. (ảnh sưu tầm)

Trong bối cảnh hiện nay, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người lao động sẽ giúp quá trình khôi phục sản xuất diễn ra nhanh chóng, đảm bảo đơn hàng, việc làm và các mục tiêu kinh tế.

Ông Nguyễn Dũng – lãnh đạo Công ty TNHH vận tải và du lịch quốc tế Kỳ Mỹ ở Quảng Ninh – cho biết hạ tầng của doanh nghiệp bị hư hại nặng nề sau bão. Do chưa có điện, họ chưa thể tiến hành sửa chữa và dự kiến phải mất khoảng 10 ngày nữa mới có thể hoạt động trở lại.

Đại diện lãnh đạo ngân hàng Agribank thăm hỏi, động viên khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. (ảnh sưu tầm)

Nguồn cung cấp rau cũng giảm đáng kể. Theo đại diện siêu thị LOTTE Mart, hiện sản lượng cung ứng hàng rau (đặc biệt rau ăn lá) tại các địa phương miền Bắc bị sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng sau bão và lũ lụt nghiêm trọng.

Để chủ động cung cấp đủ rau cho khách hàng, LOTTE Mart đã triển khai song song hai phương án gồm: tăng gấp ba lần sản lượng rau từ Đà Lạt, tăng tần suất đi hàng từ Đà Lạt 1 chuyến/ngày (lúc trước là 1 chuyến/2 ngày).

Theo các chuyên gia kinh tế, các giải pháp, sự hỗ trợ thiết thực từ Nghị quyết 143/NQ-CP, các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi sau bão lũ. Điều quan trọng là cần kịp thời đánh giá thiệt hại, nắm bắt cơ hội từ các chính sách ưu đãi và đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình khắc phục hậu quả bão lũ.

Bảo Ngọc SG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *