Cách giúp trẻ tăng cân trong kỳ nghỉ hè

Đăng ngày 17/07/2022

Tận dụng thời gian nghỉ hè hơn 2 tháng, phụ huynh có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng nhờ ăn uống khoa học.

Nghỉ hè, nhiều ba mẹ muốn tranh thủ cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho con.

Trẻ em thường có xu hướng ăn uống chưa phù hợp khi đi học vì nhiều lý do, nhất là đối với những trẻ vốn biếng ăn, lười ăn, chỉ thích ăn những món quen thuộc hoặc đang gặp phải vấn đề về tiêu hóa. Đối với trẻ mầm non, gần như phải ăn cả ngày ở trường, các món ăn có thể chưa đảm bảo dinh dưỡng do chi phí nhất định hoặc do trẻ ăn ít hơn nhu cầu.

Trong khi đó, đối với trẻ lớn hơn, dù học bình thường hay học bán trú thì trẻ cũng dễ có nguy cơ ăn uống thất thường, ăn không đúng buổi, ăn vặt bên ngoài… dẫn đến dinh dưỡng không đảm bảo.

Để trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng từng bước cải thiện, bắt kịp đà tăng trưởng trong dịp hè, cần hai yếu tố chính là tăng năng lượng, tăng cường các chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của trẻ. Đặc biệt là những dưỡng chất mà trẻ đang bị thiếu.

Để biết chính xác trẻ đang bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân ở mức nào hay trẻ đang bị thiếu hụt những dưỡng chất nào, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để được xác định đúng thông qua các chỉ định cận lâm sàng chuyên sâu. Tuy nhiên, ba mẹ có thể tham khảo thêm các lưu ý cơ bản dưới đây về chế độ ăn, các dưỡng chất thường có liên quan đến tình trạng nhẹ cân, suy dinh dưỡng của trẻ:

Ăn uống cân bằng, đủ chất: Thời tiết mùa hè không thuận lợi, mưa nhiều, nắng nóng thất thường, trẻ thường chán ăn nên sẽ không đảm bảo sức khỏe nếu không duy trì đầy đủ dinh dưỡng. Vì vậy, ba mẹ cần cho trẻ ăn đủ các nhóm thực phẩm cần thiết gồm tinh bột (cơm, bún, phở, mì…), chất đạm (thịt lợn, thịt bò, cá, thủy hải sản, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành), chất béo (dầu, mỡ, bơ…), vitamin và khoáng chất (rau, trái cây…) trong các bữa ăn.

Nên chế biến thức ăn cho trẻ mềm, lỏng, vừa miệng hoặc nhạt hơn bình thường. Thức ăn nấu ra cần cho trẻ ăn khi còn ấm, nóng, không để quá lâu trên 2 giờ ở ngoài vì vi khuẩn dễ xâm nhập.

Tăng Calo: Với trẻ thấp còi suy dinh dưỡng, mẹ cần phải tăng lượng calo nhằm thúc đẩy quá trình tăng cân, giúp trẻ đạt được trọng lượng khỏe mạnh. Tăng cường lượng calo mẹ nên bổ sung vào chế độ ăn của bé các loại hạt vỏ cứng (hạt điều, hạt dẻ,…), bơ, đậu phộng, pho mát hay trái cây khô.

Đảm bảo đủ protein: Có thể tăng thêm lượng đạm từ hải sản, đạm thực vật cho trẻ, vì đạm đóng vai trò then chốt trong phát triển cân nặng, chiều cao(đặc biệt với những trẻ đang học cấp một và bước vào tuổi dậy thì trẻ học cấp 2). Protein không chỉ để xây dựng cơ bắp mà cũng quan trọng không kém để hình thành hệ xương, tích lũy khối lượng xương. Đặc biệt, đối với trẻ chuẩn bị bước vào lứa tuổi dậy thì, cơ thể cần có đủ protein để tạo, kích hoạt đầy đủ yếu tố tăng trưởng IGF1 để giúp hệ xương, hệ cơ, hệ thần kinh và toàn bộ cơ thể trẻ phát triển hết tiềm năng di truyền.

Kẽm: Kẽm giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn ở trẻ do rối loạn vị giác. Trẻ em biếng ăn kéo dài sẽ dễ bị suy dinh dưỡng, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển. Thiếu kẽm sẽ làm chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì và giảm chức năng sinh dục. Thực phẩm có chứa kẽm bao gồm: hải sản có vỏ, cây họ đậu, hạt khô, sữa, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, socola…

Chất béo: Dù hấp thụ quá nhiều chất béo có thể có hại cho cơ thể nhưng cơ thể trẻ vẫn cần một lượng chất béo nhất định. Chất béo giúp trẻ tăng năng lượng, hỗ trợ tăng cân và giúp cơ thể hấp thụ các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K để trẻ phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, chất béo còn giúp trẻ duy trì nhiệt độ cơ thể, thúc đẩy sự phát triển của tế bào.

Ngoài 3 bữa ăn chính hàng ngày, cha mẹ cũng có thể bổ sung cho trẻ 2-3 bữa phụ mỗi ngày. Thêm vào đó, thực đơn của trẻ cũng cần bổ sung thêm các dưỡng chất giúp phát triển chiều cao tối đa như canxi, vitamin D3, vitamin K2,… và thành phần tăng cường sức đề kháng như vitamin A, E, C,…

Khám dinh dưỡng cho trẻ trong dịp hè.

“Dịp hè còn là thời điểm phù hợp để trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, vui chơi, tập luyện các môn thể thao yêu thích. Vận động sẽ giúp trẻ tiêu và hấp thụ thức ăn tốt hơn, kích thích trẻ ăn uống tốt, thèm ăn, hỗ trợ trẻ tăng cân và tăng cường thể lực”, bác sĩ An Pha cho biết.

Trương Tử Vy – BNSG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *