Nguyễn Viết Công Thành tốt nghiệp ngành hội họa Trường ĐH Nghệ thuật Huế. Ra nghề, Thành chọn việc vẽ tranh tường trang trí cho các nhà hàng, quán cà phê. Đó là lúc “phải sống trước đã” như Thành nói nên tạm gác lại đam mê, hoài bão ấp ủ thời sinh viên, ưu tiên cho cuộc mưu sinh hằng ngày.
Lang thang trên khe suối đầy đá cuội muôn hình muôn dạng, ý nghĩ tại sao không dùng cuội vốn là thứ nguyên liệu đầy rẫy ở quê mình để làm toan vẽ chợt lóe lên trong đầu Thành.
Bằng đôi tay khéo léo của mình, Nguyễn Viết Công Thành – một bạn trẻ 9X ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế) – như thổi hồn vào những viên đá cuội qua từng nét vẽ sống động. Bằng mỹ cảm đặc biệt, trong mắt Thành, đại ngàn A Lưới là một kho chất liệu phong phú cho hội họa. Anh đi khắp những khoảng rừng, lang thang từ sáng đến chiều để lấy lá thông, quả thông, nhặt từng viên đá cuội những mong thỏa đam mê “nghịch” cây cọ vẽ.
Căn phòng nhỏ của Thành từ đó luôn ngổn ngang đá cuội. Thành biến hóa những viên đá cuội trơ trọi thành những tác phẩm sinh động về động vật: đàn cá bơi tung tăng trong bể nước; những con bướm vàng như vừa thoát xác giang đôi cánh rực rỡ; con tắc kè hoa như đang chạy qua trước mắt giữa rừng già A Lưới hay Sao La đùa bên suối… Các đề tài phong cảnh thiên nhiên quê hương, vẽ các thành viên trong gia đình cũng được nhiều khách hàng của Thành ở nhiều độ tuổi ưa chuộng.
Mỗi bức tranh đá của Thành có giá vài trăm nghìn đồng. Bức nào cầu kỳ, độ khó cao và tốn nhiều công sức hơn thường có giá tiền triệu. Thời điểm bùng nổ đại dịch COVID-19 lại là lúc Thành được rất nhiều khách hàng ủng hộ. Thế nên thu nhập từ nghề tay trái bỗng chốc thành nguồn thu nhập chính của chàng trai phố núi khi đó. Thu nhập từ “nghề tay trái” đã mang lại cho chàng trai phố núi nguồn thu ổn định, đó là nền tảng để Thành hướng đến những giấc mơ vẫn còn đang dang dở.
Bảo Ngọc SG