7 món ăn độc đáo nhất định phải thử khi đến Tây Tạng

Đăng ngày 28/07/2022

Nằm ở phía Tây Nam của Trung Quốc, vùng đất Tây Tạng mang một vẻ đẹp bí ẩn và huyền bí. Ẩm thực Tây Tạng phản ánh rõ nét tập tục của người dân địa phương và đặc trưng khí hậu trong vùng. Đặc biệt, do vị trí địa lý nằm ở nơi giao thoa giữa hai nền văn hoá lớn là Trung Quốc và Ấn Độ nên ẩm thực Tây Tạng chịu ảnh hưởng đặc biệt lớn từ hai quốc gia này. Sau đây là những món ăn đặc trưng của Tây Tạng mà khi du khách tới đây nhất định không được bỏ lỡ.

Gà nấu nồi đá

Gà nấu nồi đá là món ăn mang phong cách đặc trưng của Tây Tạng và rất được ưa chuộng. Hầu như bất kỳ nhà hàng nào chuyên về món gà ở Tây Tạng cũng đều có món gà nấu nồi đá. Nguyên liệu chính của món ăn này là gà Tây Tạng, những con gà này được nuôi thả bên ngoài và ăn thức ăn thuần tự nhiên. Thịt gà được hầm cùng một số vị thuốc bắc trong ít nhất 3 tiếng đồng hồ mang đến hương vị thơm ngon đặc biệt và vô cùng bổ dưỡng. Điểm đặc biệt ở đây là người ta dùng một chiếc nồi làm hoàn toàn bằng đá để nấu gà.

Những chiếc nồi khi được sử dụng lâu ngày sẽ dần chuyển từ màu nâu xám sang màu xanh đen, toàn thân bóng loáng. Nồi đá có thể hấp thụ nhiệt rất tốt, nhiệt độ trong nồi vẫn có thể duy trì ổn định kể cả khi đã tắt lửa. Bởi vậy, thực khách có thể tận hưởng món gà nóng hổi suốt cả bữa ăn. Bên cạnh đó, trong quá trình nấu ăn, một lượng nhỏ các nguyên tố vi lượng trong nồi sẽ hoà tan vào nước dùng, giúp món ăn có mùi thơm ngon, dư vị êm dịu.

Dồi tiết Tây Tạng

Món dồi tiết Tây Tạng không được làm từ thịt lợn hay thịt bò mà được làm từ thịt cừu. Ở Tây Tạng, mỗi khi giết thịt một con cừu, người ta thường để riêng phần ruột non và tiết của nó để chế biến dồi. Cách chế biến món ăn này khá đơn giản, thịt cừu sẽ được băm nhỏ sau đó ướp thêm gia vị như muối, tiêu, bột tsampa. Tiếp đến, thịt cừu và tiết sẽ được nhồi vào những đoạn ruột non đã được làm sạch, dùng dây buộc thành từng đoạn vừa ăn rồi đem đi đun sôi đến khi nào những miếng dồi nổi lên, lớp màng ruột non bên ngoài đổi màu trắng đục là có thể ăn.

Món dồi tiết Tây Tạng mang một hương vị riêng biệt, mềm dai, không bị vỡ nát, hương vị thơm ngon. Thịt cừu nhiều đạm, ít mỡ, lại dễ tiêu, là một món ngon chống rét rất hiệu quả vào mùa đông.

Tsampa

Đã đến Tây Tạng thì làm sao có thể bỏ qua được món Tsampa, đây là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của nơi đây. Tsampa là một thực phẩm phổ biến của người Tây Tạng, được làm từ bột lúa mạch rang và ghee (bơ yak). Người Tây Tạng ăn Tsampa mỗi ngày và kết hợp chúng với nhiều loại đồ ăn khác nhau. Nếu đến nhà một người dân địa phương làm khách, bạn sẽ được chiêu đãi Tsampa với trà bơ. Còn trong bữa ăn chính, Tsampa thường được ăn chung cùng với thịt.

Có 2 cách cơ bản để làm và ăn Tsampa. Cách phổ biến và đơn giản nhất là rang chín lúa mạch trong một chiếc chảo cát, sau đó nghiền chúng thành bột rồi trộn và khuấy với bơ ghee, cuối cùng là nặn và tạo hình cho cho Tsampa là có thể ăn. Cách thứ hai là dùng Tsampa nấu cháo với thịt bò hoặc thịt cừu và rau.

Bò Yak hầm ngũ cốc

Bò Yak hầm ngũ cốc là món ăn có lịch sử gần 1500 năm, không ai ở Tây Tạng mà không biết đến món ăn này. Trong quá khứ, đây là món ăn mà chỉ giới quý tộc Tây Tạng mới có thể được thưởng thức. Thịt bò Yak được hầm chung với các loại ngũ cốc và rau củ mang đến một hương vị hài hoà, màu sắc hấp dẫn, nước dùng thanh mà đậm đà. Thịt bò Yak chín tới mềm mọng, có màu đỏ tươi vô cùng đẹp mắt. Sự kết hợp giữa những nguyên liệu tươi ngon và gia vị độc đáo của địa phương đã tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn mà bất cứ người sành ăn nào cũng không thể bỏ qua.

Sữa chua Yak

Sữa chua Yak cũng là một món ăn mang tính đặc trưng của người Tây Tạng. Ở nơi đây, những con bò Yak được xem là tài sản quý giá, người Tây Tạng tận dụng mọi bộ phận của bò Yak trong đời sống và trong ẩm thực. Sữa bò Yak sẽ được đem chế biến thành nhiều loại thực phẩm khác nhau như bơ ghee, làm sữa chua, sữa đông, …

Trong đó sữa chua Yak là một món ngon không thể bỏ qua, chúng có vị dịu nhẹ hơn so với sữa chua thông thường mà chúng ta ăn mà vẫn vô cùng thơm ngon kể cả khi không thêm đường. Sữa chua Yak có thể ăn không hoặc ăn cùng với một số loại hoa quả và hạt để tăng thêm hương vị. Sữa chua là loại thực phẩm quan trọng đối với người Tây Tạng và đã có lịch sử cả nghìn năm. Mỗi năm, người dân Tây Tạng đều tổ chức lễ hội Shoton – lễ hội sữa chua, đây là một trong những lễ hội quan trọng và thú vị nhất ở nơi đây.

Thukpa (Mì Tây Tạng)

Thukpa là món mì bò độc đáo, mang đậm phong cách ẩm thực Tây Tạng. Đây là món ăn thường được người Tây Tạng thưởng thức vào buổi sáng cùng với một tách trà ngọt. Những sợi mì được chế biến cùng những lát thịt bò thái mỏng hoặc thái hạt lựu, hành lá xắt nhỏ, nước dùng đậm đà và ăn kèm với rau đơn giản. Củ cải ngâm và tương ớt cũng thường được cho thêm vào để gia tăng hương vị cho món ăn này.

Cơm nhân sâm

Cơm được nấu cùng những quả cây nhân sâm được xem là một món ăn đặc biệt của người Tây Tạng. Họ thường ăn món ăn này vào các dịp lễ hội hoặc đám cưới, đặc biệt trong lễ hội mừng năm mới của người Tây Tạng không thể thiếu món ăn này.

Cơm nhân sâm được chế biến bằng cách trộn gạo cùng với quả nhân sâm nấu chín cùng chút đường và bơ ghee. Đối với người Tây Tạng, quả nhân sâm là một biểu tượng của sự tốt lành và may mắn, vậy nên món ăn này có ý nghĩa mang lại điềm tốt cho người ăn. Ngoài ra, loại quả này cũng rất giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khoẻ và hệ tiêu hoá.

Trương Tử Vy (Tổng hợp)

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *