Chờ Đợi Gì Sau Phiên Giám Sát Về Sách Giáo Khoa?

Đăng ngày 15/08/2023

Phiên giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa chiều 14-8 được phát đồng thời trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội.

Lần đầu tiên một phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Quốc hội hiểu rõ sức nóng, sự quan tâm của cử tri cả nước với giáo dục và sự “mở cửa”, công khai các tranh luận là một hướng tiếp cận tích cực.

Cử tri được tiếp nhận bức tranh tổng thể về quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa những năm qua. Đoàn giám sát không chỉ mô tả bằng văn bản như thường thấy mà còn thể hiện qua một clip ngắn, tiết tấu nhanh, nhiều hình ảnh sinh động, có ý kiến của giáo viên, học sinh, các chuyên gia và những người trong cuộc.

Hiệu ứng “người thật, việc thật” đã làm bật lên nhiều điều mà đôi khi báo cáo và con số thuần túy không biểu đạt hết được.

Công chúng, cử tri cũng được chứng kiến sự tranh luận sòng phẳng, thể hiện các quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Từ việc thực nghiệm chương trình, dạy các môn tích hợp hay đưa môn lịch sử thành môn bắt buộc đều được đề cập. Các vấn đề nóng liên quan đến sách giáo khoa cũng được phân tích, lý giải từ nhiều góc độ.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6, Lịch sử lớp 11.

Giá bộ sách giáo khoa tăng 2-4 lần so với bộ sách cũ. Thủ phạm khiến giá sách tăng vọt được chỉ ra là do mức chiết khấu quá cao. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng trước đây viết sách chuyên khảo cũng được 25% chi phí phát hành, nhưng sách chuyên khảo cả năm bán được 1-2 quyển. Còn sách giáo khoa bán hàng triệu bản, gần như người học bắt buộc phải mua, thì mức chiết khấu 29 – 29,5% có hợp lý?

Nhưng có lẽ vấn đề nóng nhất, được cử tri quan tâm nhất là dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, nghiên cứu cơ chế miễn phí bản quyền cho mọi đối tượng để giảm giá thành sách trong khi các khâu in ấn, phát hành vẫn theo phương thức xã hội hóa.

Trong khi bộ trưởng Bộ GD-ĐT tha thiết với đề nghị bỏ nội dung giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa ra khỏi nghị quyết vì lo “ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa”, lo “tác động tới tinh thần đổi mới toàn ngành”, thì một số ý kiến lại phân tích sự cần thiết phải làm rõ vai trò của Nhà nước mà cụ thể là Bộ GD-ĐT phải cầm trịch chuẩn bị nội dung và giữ bản quyền một bộ sách.

Hơn 213.000 tỉ đồng, chiếm 1,46% tổng chi ngân sách, đã được Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mấy năm qua. Số tiền ấy càng có ý nghĩa khi cả nước vừa trải qua giai đoạn dịch bệnh cam go, kinh tế còn rất khó khăn. Với sự dành dụm và ưu tiên cho giáo dục như thế, người dân mong đợi gì sau phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

Chắc chắn người dân mong giá sách giáo khoa giảm xuống, chất lượng giáo dục đi lên, việc dạy và học không quá vất vả với con em họ. Người dân cũng mong ngành giáo dục sớm làm rõ phương thức thi cử, đánh giá phù hợp, tránh thầy trò bị động.

Và cuối cùng, giáo dục phải minh bạch, không để bất cứ kẽ hở nào cho lợi ích nhóm, cho “cửa trước, cửa sau” trong thẩm định, chọn sách, biên tập, in ấn và xuất bản. Đừng để những lình xình cản trở sự phát triển của giáo dục, làm xã hội phân tâm, lo lắng.

Hy vọng những mong đợi ấy sẽ được đáp ứng bằng những chuyển biến tích cực, rõ nét và bền vững sau phiên giám sát ấn tượng chiều qua.

Theo Tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *