Từ đầu năm, cổ phiếu HPG của Hòa Phát là cái tên bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất thị trường với giá trị lên đến 6.140 tỷ đồng, tương ứng khối lượng hơn 163 triệu đơn vị. Trong đó, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ tỷ USD thuộc Dragon Capital quản lý, là một trong những bên bán ra tích cực nhất.
Cuối năm ngoái, HPG vẫn là chủ lực trong danh mục của VEIL với tỷ trọng lớn nhất khoảng trên 12%. Thời điểm đó, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ lên đến hơn 2,6 tỷ USD tương đương giá trị khoản đầu tư vào HPG ước tính vào khoảng 310 triệu USD. Chiếu theo thị giá HPG giai đoạn đó, VEIL nắm giữ đâu đó khoảng 158 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành thép.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 trở đi, quỹ ngoại này đã liên tục có động thái bán ra cổ phiếu HPG và giảm tỷ trọng xuống chỉ còn 6,18% vào ngày 21/7. Với NAV 1,98 tỷ USD cùng thời điểm, giá trị khoản đầu tư vào HPG của VEIL chỉ còn khoảng 123 triệu USD, giảm gần 200 triệu USD so với đầu năm.
Chiếu theo thị giá đóng cửa ngày 21/7, VEIL còn nắm khoảng 124 triệu cổ phiếu HPG. Dù vậy, cần lưu ý rằng con số trên đã bao gồm 31 triệu cổ phiếu được chia từ đợt cổ tức 35% (5% bằng tiền và 30% bằng cổ phiếu) theo danh sách cổ đông chốt ngày 17/6, thời điểm quỹ chỉ còn nắm 105 triệu đơn vị. Như vậy, ước tính VEIL đã bán ròng khoảng 65 triệu cổ phiếu từ đầu năm.
Đáng chú ý, VEIL bắt đầu có động thái bán ra mạnh tay đúng thời điểm HPG đang có nhịp hồi khá mạnh trước khi bước vào giai đoạn tụt dốc. Cổ phiếu này đã giảm 45% trong chưa đầy 5 tháng và hiện vẫn quanh quẩn vùng đáy 18 tháng, vốn hóa tương ứng bị thổi bay hơn 100.000 tỷ đồng (~ 4,4 tỷ USD).
Không chỉ các quỹ ngoại như VEIL, cổ phiếu HPG giảm sâu còn khiến hàng loạt tổ chức từ công ty chứng khoán (TVB, VDSC, SSI) đến quỹ đầu tư trong nước (Ballad Fund), thậm chí cả doanh nghiệp tay ngang (Hóa An) cũng đành ngậm ngùi ôm lỗ.
Đà giảm của của cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh ngành thép phải đối mặt với nhiều khó khăn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Quý 2 vừa qua, lãi ròng của Hòa Phát giảm đến 59% so với cùng kỳ, xuống còn 4.023 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm cũng giảm 27% xuống mức 12.229 tỷ đồng.
Kết quả trên đã hiện thực hóa lời cảnh báo của Chủ tịch Trần Đình Long tại Đại hội cổ đông hồi cuối tháng 5 “Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”. Lường trước được khó khăn, ban lãnh đạo tập đoàn lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 đầy thận trọng với doanh thu 160.000 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận sau thuế từ 25.000 – 30.000 tỷ đồng, giảm từ 13 – 27,5% so với năm trước.
Một trong những nguyên nhân khiến ngành thép khó khăn được ông Long nêu ra thời điểm đó là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga – Ukraine, đặc biệt giá than luyện tăng cao. Việc nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất trong quá trình sản xuất gang thép liên tục tăng cao ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào sản xuất, qua đó làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép.
Ở chiều ngược lại, giá thép đã hạ nhiệt và quay đầu giảm mạnh sau khi đạt đỉnh. Tại thị trường thế giới, giá HRC đã giảm gần 40% trong 4 tháng qua do ít hoạt động xây dựng và sản xuất hơn. Tại Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai hiện đang dao động quanh mức 3.800 nhân dân tệ/tấn, giảm 35% so với đỉnh và đánh mất toàn bộ đà tăng trong năm trước.
Không nằm ngoài xu hướng trên, giá thép nội địa cũng đã giảm liên tiếp 11 lần trong gần 3 tháng với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,9 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép, vùng miền. Giá thép giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn leo thang khiến biên lợi nhuận ngành thép bị ảnh hưởng dù doanh thu vẫn được hỗ trợ bởi sản lượng tiêu thụ.
Trương Tử Vy (Tổng hợp)