Sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp với đà hồi phục ngày càng yếu đi với sự xuất hiện của cây nến Doji, mọi dự báo đều nghiêng về xu hướng thị trường sẽ điều chỉnh. Và diễn biến thực tế đã đi đúng hướng.
Chỉ số VN-Index đảo chiều giảm điểm trong biên độ không quá lớn. Áp lực bán chốt lời xuất hiện trên diện rộng khi thị trường đã trải qua chuỗi ngày hồi phục tích cực và đây là phiên giao dịch cuối tuần, nhà đầu tư phần nào muốn bảo toàn thành quả.
Bên cạnh đó, tâm lý thận trọng hơn khi diễn biến từ thị trường bên ngoài vẫn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro khi những bất ổn địa chính trị và rủi ro gia tăng hơn khi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện đến Đài Loan (Trung Quốc), hay lo ngại báo cáo việc làm Mỹ sắp công bố…
Với diễn biến trên, thị trường đã hoàn toàn giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên sáng và kéo dài sang cả phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, với diễn biến dòng tiền cải thiện tích cực hơn trong thời gian gần đây, tâm lý nhà đầu tư cũng phần nào lạc quan hơn về xu hướng thị trường và phần nào hy vọng những pha điều chỉnh là nhịp nghỉ để lấy đà để tiếp tục hồi phục.
Lực cầu đã gia tăng mạnh khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh ATC giúp VN-Index áp sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, tâm lý “chốt lãi không bao giờ sai” để tránh những biến động mang tên “cuối tuần” đã khiến thị trường khó hồi phục.
Chỉ số VN-Index kết thúc phiên cuối tuần bằng pha điều chỉnh nhẹ và vẫn đứng trên mốc 1.250 điểm. Thanh khoản có sụt giảm so với những phiên giao dịch khác trong tuần nhưng đã tăng vượt trội so với mức trung bình của tháng 7 vừa qua.
Đóng cửa, sàn HOSE có 210 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 1,41 điểm (-0,11%) xuống 1.252,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 698,6 triệu đơn vị, giá trị 15.562,75 tỷ đồng, giảm 3,6% về khối lượng và 8,49% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 94,25 triệu đơn vị, giá trị 2.032,83 tỷ đồng.
Trái với diễn biến điều chỉnh chung của thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có phiên giao dịch khởi sắc và là nhóm tăng mạnh nhất của thị trường. Điều này đã phần nào minh chứng cho niềm hy vọng của giới đầu tư về xu hướng tích cực của thị trường.
Trong đó, cổ phiếu SSI có thời điểm áp sát mức giá trần và đóng cửa tăng 5,3% lên mức 24.800 đồng/CP; VND tăng 3,8% lên mức 22.000 đồng/CP, với khối lượng khớp đều đạt xấp xỉ 29 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu VIX kéo trần thành công với thanh khoản tăng vọt, lọt top 10 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường. Đóng cửa, VIX tăng 6,7% lên mức 12.800 đồng/CP và khớp 12,13 triệu đơn vị. Ngoài ra, APG cũng tăng kịch trần, CTS tăng 5,5%, VCI tăng 4,2%, FTS tăng 3,7%, ORS tăng 3,5%, AGR tăng 3,3%…
Trong khi đó, nhóm trụ cột ngân hàng vẫn khá yếu khi chỉ có CTG, LPB và STB nhích nhẹ, còn lại chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu với biên độ giảm cũng chỉ trên dưới 0,5%. Trong đó, cổ phiếu đầu ngành VCB điều chỉnh sau phiên cầm trụ hôm qua, với mức giảm 0,61% xuống 82.000 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thép, cổ phiếu HPG vẫn mất 1,5% và đóng cửa tại mức giá 23.300 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt 42,52 triệu đơn vị. Trong khi đó, HSG kết phiên tăng 3% lên mức 20.500 đồng/CP và khớp hơn 11 triệu đơn vị, còn NKG vẫn tăng nhẹ 0,7% lên 20.850 đồng/CP và khớp 8,94 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trong khi VIC và VHM vẫn mất hơn 1%, thì NVL lại duy trì mức tăng hơn 3%. Một số mã đáng chú ý trong nhóm này như DIG tăng 3,5%, DXG tăng 2,4%, CII và LDG cùng tăng 2,4%, KBC tăng 1,9%, hay HBC, BCG, SCR, LCG… đều đóng cửa trong sắc xanh.
Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, PVD tiếp tục tỏa sáng trong phiên giao dịch không hưởng quyền để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Đóng cửa, PVD tăng 7% lên mức giá trần 16.850 đồng/CP với thanh khoản cao, đạt hơn 9,5 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,32 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau khoảng gần 1 giờ giao dịch lình xình trên mốc tham chiếu, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường tăng tốc.
Chốt phiên, sàn HNX có 112 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 2,17 điểm (+0,73%) lên 299,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 91,27 triệu đơn vị, giá trị 1.667,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 25,71 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn 7 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó LHC và TIG giảm sâu nhất khi cùng để mất 1,4%, còn lại THD, VCS, DDG, NVB và IDC giảm nhẹ trên dưới 0,5%.
Ở chiều ngược lại, dù không giữ được sắc tím nhưng VC3 là mã tăng tốt nhất rổ này khi đóng cửa tăng 8% lên mức 46.000 đồng/CP; tiếp theo là L18 tăng 7,1% lên 34.800 đồng/CP.
Một số mã đáng chú ý khác như CEO tăng 4,6% lên 34.300 đồng/CP, HUT tăng 2,4% lên vùng giá cao nhất ngày 30.300 đồng/CP…
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán mới là điểm sáng, với MBS tăng 5,9% lên mức 25.000 đồng/CP và khớp 3,17 triệu đơn vị; BVS tăng 2,8% lên 22.000 đồng/CP; SHS tăng 2,1% lên 14.600 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 15,62 triệu đơn vị; APS tăng 4,2%, ART tăng 1,9%, TVC tăng 3,2%…
Cổ phiếu PVS đóng cửa tăng 2,5% lên mức 24.200 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua SHS khi khớp 10,27 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng tăng vọt về cuối phiên, lên mức giá cao nhất ngày.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,45 điểm (+0,5%), lên 91,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 77,46 triệu đơn vị, giá trị 867,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,16 triệu đơn vị, giá trị 133,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR rung lắc và đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ 0,4% lên 24.500 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu khi khớp 14,66 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý là PAS giảm 2,2% xuống 9.100 đồng/CP, C4G tăng nhẹ 0,8% lên 13.000 đồng/CP, OIL nhích nhẹ 0,8% lên 13.100 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, DCS, ACM, PVX, KHB, PPI, GTT, NHP vẫn đóng cửa ở mức giá trần với thanh khoản đạt một đến vài triệu đơn vị khớp lệnh.
Cổ phiếu chứng khoán SBS đóng cửa tăng 2,9% lên mức 10.500 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 3 khi khớp 4,83 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đóng cửa tăng điểm, với VN30F2208 tăng 7 điểm (+0,6%), lên 1.264,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 177.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 46.800 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế nhưng mã có thanh khoản tốt nhất là CPOW2203 khớp hơn 1,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 11,8% lên 190 đồng/CQ.
Trương Tử Vy – BNSG