Đồng loạt nở rộ vào 4-5 năm trước, các startup công nghệ của Việt Nam hiện nay ra sao?

Đăng ngày 17/07/2022

 

2016-2018: Giai đoạn bùng nổ của các ứng dụng trong lĩnh vực giao vận tại Việt Nam

Logivan: Ra mắt năm 2017, Logivan là startup cung cấp dịch vụ vận tải 4.0 dựa trên nền tảng kết nối trực tiếp chủ hàng và mạng lưới xe tải trên toàn quốc. Hiện nay, Logivan cung cấp dịch vụ vận tải cho hơn 69.000 chủ xe cùng 65.000 chủ hàng với tổng giá trị dịch vụ vận chuyển đạt 14 triệu USD.

Be: Công ty Cổ phần Be Group – công ty công nghệ Việt Nam là đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng Be. Hiện nay, ứng dụng gọi xe Be đã được tải xuống 15 triệu thiết bị di động kể từ khi bắt đầu chính thức triển khai dịch vụ từ tháng 12/2018 đến nay. Tính đến nay, ứng dụng gọi xe Be đã có mặt tại 28 tỉnh, thành phố. Be là doanh nghiệp Việt duy nhất trong top 2 ứng dụng gọi xe phát triển nhất trên thị trường.

FastGo: Ngay từ thời điểm ra đời tại thị trường Việt Nam vào tháng 6/2018, FastGo đã đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp gọi xe nằm trong top 3 Đông Nam Á. Năm 2018, quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital cũng rót vốn vào FastGo cùng với Logivan, tuy nhiên trái với Logivan, đến thời điểm hiện tại, FastGo đang gần như đánh mất thị phần khi tên tuổi ít được nhắc đến và cũng hiếm hoi hiện diện để quảng bá hay cập nhật thông tin hoạt động.

2016-2018: Giai đoạn bùng nổ của các ứng dụng trong lĩnh vực giao vận tại Việt Nam

Loạt startup đa ngành hầu hết được các “ông trùm” công nghệ thâu tóm và nhận vốn lớn

ZaloPay: Năm 2016, Công ty TNHH Zion thuộc Tập đoàn VNG đã phát hành ứng dụng thanh toán Zalo Pay ra thị trường sau một thời gian dài thử nghiệm. Ứng dụng này cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến các loại hình dịch vụ Internet, hóa đơn tiền điện, nạp tiền điện thoại cho thuê bao trả trước…

Tuy nhiên sau nhiều năm hoạt động, ZaloPay liên tục có kết quả kinh doanh thua lỗ. Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần VNG đã tiết lộ phần thâm hụt lợi nhuận của chủ quản ví điện tử Zalo Pay trong năm 2021 vào khoảng 1.212,5 tỷ đồng, gần gấp đôi năm ngoái. Đến hiện tại, VNG nắm 62,32% cổ phần Zion.

Như vậy, đây tiếp tục là mảng “đốt tiền” kỷ lục của Zion và cả VNG trong những năm gần đây khi VNG này đặt chỉ tiêu lỗ sau thuế đến 993 tỷ đồng trong năm 2022.

Rever: Rever được thành lập vào năm 2016 bởi 2 đồng sáng lập cùng làm việc cho Zalo (trực thuộc VNG). Rever làm việc độc quyền với các đại lý bất động sản để cung cấp các dịch vụ phù hợp và minh bạch hơn nhằm giúp khách hàng tìm nhà để ở và đầu tư.

Tháng 8/2021, Rever huy động được hơn 10 triệu USD, nâng tổng vốn gọi được lên hơn 16 triệu USD sau 5 năm hoạt động. Trong đó, Quỹ Mekong Enterprise Fund IV là đơn vị tham gia vòng đầu tư mới nhất của Rever.

Mục tiêu đến năm 2025, Rever sẽ mở rộng ra 20 tỉnh, thành với 200 trung tâm giao dịch và 20.000 môi giới. Còn trong năm 2022, Rever sẽ mở rộng sang các thành phố còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Base.vn: Đây là nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện tích hợp các ứng dụng quản trị, xử lý công việc được thành lập từ năm 2016. Tháng 5/2021, CTCP FPT chính thức công bố khoản đầu tư vào Base.vn, nắm đa số cổ phần. Qua đó Base.vn trở thành một công ty con của FPT.

Hiện tại, Base đang cung cấp ứng dụng cho 7.000 doanh nghiệp trải dài trên nhiều lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, vận tải, F&B, giáo dục, y tế, thương mại với quy mô đa dạng.

Telio: Thành lập từ cuối năm 2018, đây là nền tảng thương mại điện tử B2B tại Việt Nam cung ứng mặt hàng cho các đối tác như cửa hàng tạp hoá, nhà bán buôn, hiệu thuốc với ba ngành hàng chính: hàng tiêu dùng, lifestyle và y tế.

Tháng 4/2022, VNG công bố thông tin về việc Công ty Telio Pte.Ltd trở thành công ty liên kết của VNG từ ngày 21/4/2022. Trước đó, VNG đã có khoản đầu tư chiến lược trị giá 22 triệu USD vào Telio. Số vốn Telio gọi được hiện hơn 53 triệu USD, ngoài VNG còn đến từ CGVCapital, Sequoia, TigerGlobal, RTP Global.

Theo website, Telio hiện đã có mặt ở bán lẻ tại 25 tình thành phục vụ hơn 60.000 cửa hàng. Công ty đang vươn mình tới 45 tỉnh thành và phục vụ hơn 150.000 đại lý bán lẻ đến hết 2022.

VinID: Ra mắt năm 2018 VinID khởi nguồn là chương trình chăm sóc khách hàng của Vingroup. Sau đó, VinID hoạt động theo mô hình công ty tài chính công nghệ, mở ra một hệ sinh thái trực tuyến như ví điện tử, sàn thương mại điện tử… trực thuộc One Mount Group – công ty thành viên thuộc Vingroup.

VinID hiện là siêu ứng dụng được phát triển trên nền tảng khách hàng thân thiết lớn nhất Việt Nam với hơn 11 triệu người dùng. Trong năm 2020, VinID đem về 120 tỷ đồng doanh thu.

Luxstay: Luxstay là nền tảng chia sẻ và đặt chỗ nghỉ ra đời vào tháng 6/2018 với vốn điều lệ 7 tỷ đồng. Đây từng là startup “bom tấn” trong lịch sử chương trình Shark Tank Việt Nam khi gọi vốn thành công 6 triệu USD từ các Shark.

Song từ khi thành lập đến nay, công ty này luôn ghi nhận mức lỗ lớn trong khi doanh thu đạt được khá khiêm tốn, lỗ lũy kế đến thời điểm cuối năm 2020 là 78 tỷ đồng.

Mới đây, vào đầu tháng 6, website chính thức dùng để đặt phòng của Luxstay bất ngờ không thể truy cập. Fanpage chính cũng ngừng cập nhật, ứng dụng Luxstay bị nhiều người dùng đánh giá 1 sao do không thể vào được, app dành cho chủ nhà cũng không còn trên CH Play và Galaxy. Đến ngày 6/7, fanpage Luxstay chính thức đổi tên thành Luxworld với bộ nhận diện mới cùng nhiều động thái tái cấu trúc.

Trương Tử Vy – BNSG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *