Mới đây Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) đã đưa ra những báo cáo về lợi nhuận quý II của 26 doanh nghiệp, trong đó có thể kể đến những cái tên giảm tăng trưởng như HPG và MSB.
Thế nhưng lại có đến hơn 20 doanh nghiệp có triển vọng khá tốt đặc biệt thuộc nhóm ngành ngân hàng. SSI đưa ra kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận ròng của ACB trong năm 2022 có thể lên tới 41,1%, giá mục tiêu trong vòng 1 năm lên tới 34.600 đồng/cp, khả năng xu hướng tăng giá cũng có thể lên đến 43%.
Ngoài ra, cổ phiếu CTG của Vietinbank cũng được SSI kỳ vọng có xu hướng tăng giá 33%. Đặc biệt con số này ở ngân hàng MB Bank lên đến 48%. Từ đây có thể thấy công ty cổ phần chứng khoán SSI khá ưa chuộng những mã cổ phiếu ngân hàng.
Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Lã Giang Trung, CEO của Passion Investment, cho rằng bản thân ông cũng khá để ý đến cổ phiếu của nhóm ngân hàng bởi nhóm này sở hữu vốn hoá rất lớn và đây là yếu tố cực kỳ quan trọng khi mọi người quyết định đầu tư.
Thế nhưng, ông Trung cũng cho rằng khi đầu tư vào nhóm ngân hàng, ông thường không tập trung quá nhiều đến tăng trưởng lợi nhuận hay chỉ số P/E mà thường chú ý đến chỉ số P/B. Chỉ số này mang ý nghĩa so sánh giá của một cổ phiếu so với giá trị ghi sổ của chính cổ phiếu đó. Nếu cổ phiếu ngân hàng có chỉ số P/B khoảng 1,2 thì đây là mức tương đối hợp lý, còn nếu chỉ số này dưới 1 được cho là rất hấp dẫn.
Hơn nữa, ông cũng nhận định rằng trong thị trường chứng khoán Việt Nam khi bước vào giai đoạn giá đã xuống thì các nhà đầu tư nên chọn các cổ phiếu mà đem lại sự an toàn hơn là chấp nhận rủi ro ở cổ phiếu ngân hàng.
“Nếu những cổ phiếu ngân hàng có chỉ số P/B ở ngưỡng 1 – 1.2 thì các nhà đầu tư có thể cân nhắc cho một khoản đầu tư 3 – 5 năm tới. Dù thị trường có những biến động lớn thì chu kỳ 3 – 5 năm đủ để mang lại lợi nhuận có lợi cho các nhà đầu tư. Ngân hàng Sacombank với mã cổ phiếu STB là ví dụ điển hình về chỉ số P/B chạm 1”, ông Trung chia sẻ.
Ngoài những cổ phiếu ngân hàng, SSI cũng có góc nhìn trung lập khi nhận định về dòng cổ phiếu về bán lẻ. Tuy nhiên, có thể nhận thấy được sự biến mất của cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động)trong danh mục này. Hiện tại, mã cổ phiếu này đang phải chịu một áp lực bán cực kỳ mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài khi họ bán trực tiếp lên trên sàn chứ không đem ra thoả thuận để lấy các mức giá chênh (premium) 30 – 40%.
Xét về khía cạnh hoạt động kinh doanh, MWG là một doanh nghiệp tốt bằng cách quản trị cũng như có lợi thế cạnh tranh rất lớn trong mảng bán lẻ. Tuy nhiên, xét về mặt định giá, MWG đã bước qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn trước bởi một số thị trường đã đạt quy mô rất lớn với những sản phẩm mới và điều này làm cho Thế giới Di động mất thời gian trong việc chiếm lĩnh thị trường.
Khi tốc độ tăng trưởng giảm xuống khiến cho nhà đầu tư không thể trả mức P/E cao như trước nữa. Mặc dù chỉ số này của MWG đã giảm so với quý trước thế nhưng vẫn ở mức rất cao khi so sánh với mức tăng trưởng của công ty.
Ông Trung nhận định rằng nếu mức P/E của MWG giảm xuống khoảng 13 thì sự quan tâm cho mã cổ phiếu này sẽ tăng trở lại và nếu ở mức dưới 10 thì các nhà đầu tư sẽ cực kỳ hứng thú.
Nhìn sang những cổ phiếu về hàng hoá, khi các chính sách tiền tệ bị thắt chặt lại thì hàng hóa sẽ giảm. Điều này khiến cho cổ phiếu của các công ty liên quan đến hàng hoá cũng sẽ giảm. Xu hướng giảm này sẽ tiếp tục tiếp diễn vì chính sách tiền tệ bị thắt chặt vẫn diễn ra và nền kinh tế không còn tăng trưởng mạnh mẽ nữa, nhu cầu giảm xuống gây áp lực lên cổ phiếu của các công ty hàng hoá trong thời gian tới.
Trong khi đó, chuyên gia cho rằng những ngành phòng thủ như điện nước không bị ảnh hưởng nhiều về lợi nhuận khi về cuối chu kỳ kinh tế. Nhiều nhà đầu tư sẽ lựa chọn ngành này để “trú ẩn” nhưng sẽ làm cho giá cổ phiếu tăng trong giai đoạn đó và đẩy mức định giá cổ phiếu đó cao lên.
Nếu xét ở cuối chu kỳ kinh tế khi các cổ phiếu của nhóm ngành khác được định giá rẻ mà một nhóm không có lợi nhuận tăng đột biến như điện nước lại có giá cổ phiếu lại tăng lên khiến cho các nhà đầu tư nhìn nhận lại và dòng tiền từ đó sẽ dịch chuyển. Từ đó khiến nhóm ngành này không phải là nơi “trú ẩn” tốt cho các nhà đầu tư.
Trương Tử Vy – BNSG (Tổng hợp)