Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố của công ty chứng khoán SSI, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vào cuối tuần trước ghi nhận ở mức 4,5%, tăng 170 điểm cơ bản so với tuần trước đó, chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ duy trì ở mức dương gần 200 điểm cơ bản.
Điểm tích cực là lãi suất liên ngân hàng đã giảm dần về cuối tuần, sau khi có thời điểm vọt lên trên mức 5%. Thị trường “hạ nhiệt” nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “bơm” ra khoảng 58.400 tỉ đồng, trong đó có 46.000 tỉ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) và gần 13.000 tỉ đồng qua kênh tín phiếu đáo hạn, theo SSI.
Trong tuần trước đó, thanh khoản ngân hàng chịu nhiều áp lực mạnh khiến lãi suất liên ngân hàng tăng vọt từ khoảng quanh mức 2,5% lên đến vùng 4,5%, rồi sau đó leo lên trên mức 5%.
Theo báo cáo SSI, một phần áp lực đến từ việc thực hiện các hợp đồng bán đô la Mỹ kỳ hạn và hiệu ứng mùa vụ khi đây là thời điểm nộp thuế của quí 2. “Điều khiến dòng tiền bị rút ra khỏi hệ thống một số lượng nhất định và đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh”, báo cáo của SSI có đoạn.
Không chỉ thanh khoản ngân hàng tạm thời được giảm nhiệt, tỷ giá đô la Mỹ cũng đã giảm áp lực dần. Trong tuần trước, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức tăng 75 điểm cơ bản như dự báo của thị trường, nâng mức tăng lãi suất từ đầu năm đến nay lên 225 điểm cơ bản. Mặc dù vậy, giá trị đồng đô la Mỹ lại giảm khi chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ so với rổ tiền tệ khác) giảm mạnh 0,8% trong tuần qua, giảm áp lực lên các đồng tiền khác.
Tỷ giá liên ngân hàng Việt Nam cũng hạ nhiệt theo đó. Theo thống kê của SSI, tỷ giá được giao dịch ở mức 23.354, giảm 0,2% so với cuối tuần trước đó và thấp hơn mức tỷ giá trung tâm do NHNN niêm yết. Tương tự, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank giảm 70 đồng vào cuối tuần. Mặc dù vậy, tỷ giá trên thị trường tự do thì vẫn đi ngang, duy trì vùng 24.350 đồng/đô la ở chiều bán ra.
Trong hai tuần tới, SSI ước tính có khoảng 86.000 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn sẽ giúp hạ nhiệt thanh khoản, tuy nhiên lượng OMO phát hành trong tuần trước cũng đáo hạn, lại mang tác động tiêu cực. Vì vậy, thanh khoản trong thời gian tới vẫn sẽ chịu áp lực và phụ thuộc nhiều vào chính sách “bơm-hút” của cơ quan quản lý.
Trương Tử Vy (Tổng hợp)