Bộ Tài Chính Dự Toán Thu Ngân Sách Từ Hoạt Động Xuất Nhập Khẩu 4-6%

Đăng ngày 05/08/2022

Phát biểu tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ tháng 8/2022 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh 7 tháng qua đều tăng so với cùng kỳ, góp phần tăng thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt gần 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán.

“Bộ Tài chính đề nghị việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 phải bám sát tình hình kinh tế – xã hội, tài chính trong và ngoài nước. Đồng thời phải có tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… Cùng với đó, việc xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2023 phải theo đúng quy định về nguyên tắc, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách”, Bộ trưởng Phớc nêu rõ.

Đề xuất phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2023 bình quân cả nước tăng khoảng 7-9% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022.

“Dự toán thu NSNN năm 2023 phải được xây dựng trên cơ sở hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai, đối tượng nộp thuế; đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các dự án mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phí và thu khác NSNN”, ông Phớc cho hay.

Đối với thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, với sự “hồi sinh” bứt phá của doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, xây dựng dự toán năm 2023 tăng bình quân khoảng 4 – 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022.

Yêu cầu việc xây dựng dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu cần căn cứ vào dự báo tăng trưởng kim ngạch của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có thuế trong bối cảnh hội nhập, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng truyền thống có nguồn thu chủ lực và các mặt hàng mới phát sinh.

Cùng với đó cần xét đến các yếu tố tác động như: dự kiến biến động giá trong nước và giá thị trường quốc tế của những mặt hàng có số thu NSNN lớn; biến động giá dầu thô trên thế giới; tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của các đối tác thương mại chiến lược; tác động giảm thu từ việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi cam kết trong năm 2023; mức độ thuận lợi hóa thương mại và ảnh hưởng của các hàng rào kỹ thuật; quy mô, tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư trọng điểm có nhập khẩu trang thiết bị, nguyên vật liệu…

Linh hoạt chính sách tài khóa để tránh “cú sốc” cuối năm

Vượt qua thách thức, “ẩn số” rình rập những tháng cuối năm để hoàn thành mọi chỉ tiêu phấn đấu, Tư lệnh ngành Tài chính cũng đề nghị một số đơn vị theo chức năng quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giá… cần đặc biệt chú ý trong công tác điều hành trước áp lực của lãi suất tăng cao, cũng như việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí…

Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đơn vị cần tiếp tục tham mưu điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Công tác quản lý thu phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tăng cường chống thất thu ở các lĩnh vực, trong đó có việc tăng thu trên nền tảng số, các sàn thương mại điện tử; hoàn thuế giá trị gia tăng…

Đặc biệt, nhấn mạnh việc ưu tiên bố trí dự toán 2023 cho các dự án quan trọng.

Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu việc xây dựng dự toán chi phải theo đúng quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách…

Đối với xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển, Bộ Tài chính yêu cầu cần ưu tiên bố trí dự toán năm 2023 để đẩy mạnh thực hiện các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, có khả năng giải ngân nhanh.

Đáng chú ý, riêng dự toán năm 2023 cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo mức bố trí 2 năm 2022-2023 đối với các nhiệm vụ này theo quy định tại Nghị quyết số 43 và Nghị quyết số 11.

“Bên cạnh nhiệm vụ thu ngân sách, các đơn vị cũng tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại để giữ chân, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài qua các địa bàn. Cùng với đó đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng lực lượng hải quan chuyên sâu, chuyên nghiệp”, Bộ  trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Trương Tử Vy – BNSG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *